Nhận xét Tống_Trân_Cúc_Hoa

  • Nguyễn Phương Chi:
Tác phẩm Tống Trân Cúc Hoa lên án những thế lực tàn bạo đã ngăn cản, chà đạp lên tình yêu; đồng thời ngợi ca tấm lòng son sắt kiên trinh, ý chí phấn đấu vì hạnh phúc, vì tình yêu của những con người biết chống lại những thế lực vừa nêu và những lễ tục khắc nghiệt. Bên cạnh đó, Tống Trân Cúc Hoa còn là câu chuyện đi sứ, phản ánh mối bang giao phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, tác phẩm cũng đã xây dựng tương đối thành công một số mẫu người Việt Nam truyền thống, đặc biệt là người phụ nữ với tâm hồn phong phú và đặc sắc.Về mặt nghệ thuật, Tống Trân Cúc Hoa là câu chuyện thuần túy Việt Nam. Khác với nhiều truyện Nôm khác, truyện này hầu như không sử dụng điển cố hoặc từ Hán Việt, nhưng lại sử dụng khá nhiều "môtíp" của truyện dân gian Việt Nam. Ngôn ngữ trong truyện cũng rất giản dị, rất gần lời ăn tiếng nói của con người bình dân. Thế nhưng, mạch đi của truyện còn rườm rà, do kết cấu chưa thật chặt chẽ, ngôn ngữ quá đơn giản, thiếu trau chuốt, chưa phải là thứ ngôn ngữ giàu nhạc điệu, hình ảnh. Mặc dù vậy, truyện vẫn được quần chúng lúc bấy giờ yêu thích và phổ biến rộng rãi[6].Từ điển bách khoa Việt Nam:Tống Trân Cúc Hoa đề cập những chủ đề quen thuộc: tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung; tài ba, trí tuệ và lòng dũng cảm của những người chân chính; thói tham lam của danh vọng tiền tài của tầng lớp trưởng giả. Điểm đặc sắc là sự kiện và nhân vật phần nào có tính chân xác lịch sử: theo tục truyền cũng như theo một số sử sách cũ và di tích, thì Tống Trân là nhân vật có thật. Chàng là người làng Gầu (xã An Đô, huyện Phù Dung xưa) (nay lấy tên là làng An Cầu xã Tống Trân) bên bờ Sông Luộc, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Làng Phù Oanh và làng An Cầu cùng huyện nay vẫn có đền thờ Tống Trân, Cúc Hoa [7].